Vào thời điểm mà chủ nghĩa bộ phái đe dọa tàn phá truyền thống Phật giáo Tây Tạng, với sự hợp tác độc đáo cùng Tôn giả Jamgon Kongtrul Lodro Thaye và Ngài Chokgyur Lingpa, Đức Khyentse Wangpo đã chịu trách nhiệm khởi xướng và thúc đẩy Rime (bất bộ phái) khắp Xứ Tuyết, thực sự đem đến luồng sinh khí mới cho mọi trường phái của Phật giáo, và cứu nhiều truyền thừa khỏi sự biến mất hoàn toàn. Khyentse Rinpoche hiện tại tiếp tục trong tinh thần này, luôn luôn duy trì trung thành với những đặc trưng của từng trường phái và truyền thừa mà Ngài phụng sự, không trộn lẫn hay bỏ sót dù là chi tiết nhỏ nhất.
Rinpoche cũng cố gắng hết sức để thúc đẩy các thực hành truyền thống, điều đã bắt đầu có vẻ lỗi thời, đặc biệt là việc khẩu truyền (Lung), lấy ví dụ, Ngài đã dành ba tháng mùa Đông năm 2006-7 để ban toàn bộ Kangyur (Lời Dạy Của Đức Phật) cho chư Tăng và hành giả cư sĩ tại Học Viện Biện Chứng Dzongsar Khyentse Chokyi Lodro ở Chauntra, Ấn Độ.
Sau khi thọ nhận sự giáo dục Phật giáo truyền thống mở rộng, Rinpoche cho rằng bất kỳ hiểu biết nào mà Ngài có thể có về triết học và lý thuyết Phật giáo đều đến từ những năm tháng tu học tại Học Viện Sakya ở Ấn Độ. Ngài cũng đã thọ nhận sự dẫn dắt thực tiễn thấu đáo từ nhiều đạo sư của mọi truyền thống, những vị đến từ thế hệ cuối cùng được đào tạo ở Tây Tạng; bậc thầy chính yếu của Ngài, vị đạo sư ‘ngự trên vương miện đỉnh đầu’ chính là Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche huyền thoại.
Vào đầu những năm 1980, Rinpoche lần đầu tiên ra nước ngoài để giảng dạy ở Australia và thực tế là, vẫn không ngừng du hành kể từ đó, thành lập nhiều tổ chức quốc tế trong quá trình để hỗ trợ và mở rộng phạm vi hoạt động của Ngài. Siddhartha’s Intent [Bổn Nguyện Tất Đạt Đa] tổ chức, phân phối và lưu trữ những bài giảng của Ngài; Khyentse Foundation [Tổ Chức Khyentse] cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết để hoàn thành những lời nguyện của Ngài; 84000 điều hành việc chuyển dịch Những Lời Của Đức Phật sang các ngôn ngữ hiện đại; Lotus Outreach quản lý một loạt các dự án để giúp đỡ người tị nạn, và đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi và thiệt thòi; và Lhomon Society [Hội Lhomon], được thành lập vào năm 2010 để thúc đẩy sự phát triển bền vững ở Bhutan thông qua giáo dục, và v.v.
Rinpoche là tác giả của nhiều cuốn sách về Phật giáo được dịch sang nhiều ngôn ngữ; ví dụ: ‘Thế Nào Là Phật Tử’ (2006), ‘Chẳng Phải Vì Hạnh Phúc’ (2012) và ‘Đạo Sư Uống Rượu?’ (2016). Ngài cũng nổi tiếng bên ngoài thế giới Phật giáo về những bộ phim mà Ngài vừa là biên kịch vừa là đạo diễn, ‘Chiếc Cúp’ (1999), ‘Lữ Khách và Thuật Sĩ’ (2004), ‘Vara: Một Ân Phước’ (2012), ‘Hema Hema’ (2016) và ‘Tìm Kiếm Cô Gái Có Răng Nanh và Ria Mép’ (2019).
Phật Pháp đang bị đồng hóa với vô số văn hóa khác nhau khi giáo lý của Đức Phật tiếp tục lan tỏa khắp thế gian. Nhưng như Rinpoche đau đớn chỉ ra, trong khi bao bì văn hóa đi kèm với Phật giáo Tây Tạng thường là tùy chọn, bản thân Phật Pháp không cần sự hiện đại hóa. Thích Ca Mâu Ni là một vị Phật và vì thế, vô cùng vĩ đại; do đó, mỗi lời Ngài thốt ra, mỗi truyền thống Ngài khởi xướng, mỗi khía cạnh trong di sản của Ngài, ngày nay đều thích hợp và cần thiết như chúng đã từng trong suốt cuộc đời Ngài. Đây là thông điệp mà Rinpoche liên tục nhấn mạnh khi Ngài giảng dạy, chủ yếu tập trung vào ‘quan điểm’ Phật giáo hơn là bối cảnh dân tộc mà nó sử dụng, chẳng bao giờ ngần ngại thu hút sự chú ý đến những thiết sót và sa đọa đã len lỏi vào các con đường tâm linh đương thời, và không sợ hãi vạch trần những thách thức mà đạo sư và đệ tử Phật Pháp phải đối mặt trong thế kỷ 21.